Số lượng và cường độ của các cơn bão mà Việt Nam phải
hứng chịu có mối quan hệ với sự thay đổi màu xanh của nước trong Thái
Bình Dương.
|
Ảnh minh họa: files32.com. |
AFP đưa tin một nhóm chuyên gia của
Cục Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) lập mô hình thời tiết để
tìm hiểu mối quan hệ giữa màu sắc nước biển ở phía bắc Thái Bình Dương –
khu vực hứng chịu tới hơn 50% cơn gió có tốc độ cực lớn trên thế giới -
và cường độ các cơn bão.
Màu nước biển là một trong những dữ liệu quan trọng
nhất đối với các mô hình. Do đó các nhà khoa học phải theo dõi từng biến
đổi nhỏ của màu nước.
National Geographic cho biết, ở vùng phía bắc
của Thái Bình Dương nước có màu xanh lục (chứ không phải xanh dương) vì
mật độ sinh vật phù du ở đây rất cao. Sinh vật phù du hấp thụ ánh sáng
nhờ chất diệp lục khiến nhiệt độ của tầng nước trên cùng luôn ở mức
tương đối ấm. Khi mật độ sinh vật phù du giảm, ánh sáng mặt trời chiếu
xuống sâu hơn khiến nước bề mặt trở nên lạnh hơn.
Nhiệt độ của bề mặt đại dương tác động tới quá trình
lưu thông của không khí. Cụ thể, nước bề mặt càng lạnh thì những cơn gió
mạnh càng ở trên cao. Gió mạnh càng ở trên cao thì khả năng thành bão
của chúng càng giảm.
Ngược lại, nước bề mặt càng ấm thì nguy cơ bão lớn xuất hiện càng cao.
Bão thường hình thành dọc theo đường xích đạo và phía
trên những vùng nước ấm, sau đó chúng di chuyển về phía bắc và phía nam
để tiến tới các vùng cận nhiệt đới. Ở phía tây bắc Thái Bình Dương, các
cơn bão thường di chuyển theo hướng bắc và ập vào Trung Quốc, Nhật Bản.
Khi các nhà nghiên cứu giảm mật độ sinh vật phù du
(nghĩa là màu xanh nước biển nhạt hơn) trên mô hình, họ nhận thấy số
lượng các cơn bão ở phía bắc Thái Bình Dương giảm tới hai phần ba. Điều
đó cho thấy sức mạnh của bão giảm dần do nước ở bề mặt đại dương không
ấm. Do tốc độ giảm dần nên các cơn bão không thể di chuyển xa. Thế
nhưng, chính vì thế mà các cơn bão có xu hướng di chuyển sát đường xích
đạo và tấn công Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí
Nature cho thấy mật độ sinh vật phù du - nguồn thức ăn của toàn bộ hệ sinh
thái biển - trên khắp thế giới đang giảm dần trong một thế kỷ qua bởi sự
nóng lên của lớp nước bề mặt trong các đại dương. Sự bành trướng của
các vùng chết (có lượng oxy hòa tan quá thấp) và tình trạng các đại
dương ngày càng bị axit hóa cũng làm giảm số lượng sinh vật phù du. Xét
về màu sắc, độ xanh lục của đại dương ngày càng nhạt.
Công trình của NOAA sẽ được công bố trên số sắp tới của tạp chí
Geophysical Research Letters.
Nguồn: vnexpress.net